Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Trung Quốc đặt ưu tiên thu hút lao động chất lượng cao là nhân tố ưu tiên thứ hai sau mục tiêu tăng trưởng GDP
Trung Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008) và đã đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD (2021), tăng 19,7% so năm 2020. Việt Nam trở thành đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới (sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia). Trung Quốc cũng là nhà đầu tư thứ hai vào Việt Nam trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới1 với 1,4 tỷ USD và 143 dự án cấp mới (8/2022), sau Nhật Bản (1,5 tỷ USD và 123 dự án cấp mới).
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu trong số các nền kinh tế lớn trên toàn cầu cùng những kinh nghiệm cải cách kinh tế được các quốc gia và thế giới rất quan tâm, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong bối cảnh Covid-19 và đã đem đến nhiều bài học kinh nghiệm cho các nước, trong đó có bài học về thu hút lao động chất lượng cao phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Vài nét về thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc.
Trung Quốc thành lập Trung tâm dịch vụ (1989) dành cho những người lao động chất lượng cao trở về. Chính phủ tăng cường các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn lực tài chính nhằm phát triển lao động chất lượng cao. Ngân sách dành cho phát triển lao động chất lượng cao của Trung Quốc tăng từ 10,75% GDP (2018) lên 15% GDP (2020)3. Nhờ vậy, lao động chất lượng cao đã tăng lên 27,3% tổng số lao động, mặc dù vẫn thấp so với hơn 40% ở một số nền kinh tế phát triển.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Trung Quốc đặt ưu tiên thu hút lao động chất lượng cao là nhân tố ưu tiên thứ hai sau mục tiêu tăng trưởng GDP. Nhằm thu hút nhiều lao động chất lượng cao đến khởi nghiệp tại Trung Quốc, các khu vực phát triển trọng điểm (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Thẩm Quyến…) đưa ra hàng loạt chính sách, biện pháp khuyến khích. Bắc Kinh đã tạo ra Khu khoa học và công nghệ lớn nhất và nổi tiếng nhất của Trung Quốc nhằm mục đích ươm tạo các dự án công nghệ cao mới, được gọi là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”. Khu công nghệ cao Zhongguancun là nơi có 5.000 công ty được thành lập bởi 12.000 doanh nhân trở về; trong đó, gần một nửa (44%) doanh nhân có bằng sáng chế trước khi trở về. Với “20 quy định chính sách xuất nhập cảnh của Bộ Công an nhằm hỗ trợ sự đổi mới và phát triển của Bắc Kinh” (2016), Bắc Kinh bổ sung thêm năm kênh mới cho các đơn vị được phép cấp “thẻ xanh” vào Trung Quốc: Một là, kênh cấp “thẻ xanh” trực tiếp cho lao động chuyên gia cấp cao ở Zhongguancun; hai là, kênh định cư lâu dài cho lao động chất lượng cao và tài năng kỹ thuật trong các doanh nghiệp đổi mới và kinh doanh của khu vực Zhongguancun; ba là, kênh thường trú cho Hoa kiều có trình độ tiến sĩ hoặc đã làm việc trong các doanh nghiệp tại Khu thương mại tự do Quảng Đông 4 năm liên tục; bốn là, kênh thường trú cho chuyên gia đã làm việc tại Quảng Đông 4 năm liên tục với mức lương hơn 400.000 Nhân dân tệ (NDT); năm là, các doanh nhân đầu tư ổn định trong 3 năm liên tiếp và tổng số tiền đầu tư đạt 1 triệu USD trong các ngành được khuyến khích, có hồ sơ thuế tốt được phép xin định cư lâu dài.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc khởi động chiến lược thu hút lao động chất lượng cao với mục tiêu thúc đẩy đổi mới và phát triển công nghệ. Năm 2012, Trung Quốc đưa ra đạo luật mới để tạo thuận lợi cho việc nhập cư của các chuyên gia cấp cao. Tiếp đến, bốn năm sau (2016), Chính phủ thành lập Văn phòng nhập cư đầu tiên của Trung Quốc có nhiệm vụ thu hút lao động chất lượng cao nước ngoài. Chính phủ khởi xướng chương trình thu hút sinh viên xuất sắc của Trung Quốc trở về nước. Với các sáng kiến quốc gia cũng như nhiều kế hoạch thu hút lao động chất lượng cao cấp tỉnh, địa phương được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đã thu hút số lượng lớn người Hoa ở nước ngoài trở về.
Trung Quốc khuyến khích Hoa kiều trở về làm việc với chính sách “Tia sáng mùa xuân” (1997) thực hiện để hỗ trợ tài chính cho Hoa kiều trở về. Chính sách “Tia sáng mùa xuân” đã thu hút được 600 học giả chỉ sau một năm. Tiếp theo, Trung Quốc thực hiện chính sách “Phục vụ đất nước” (2001) để thu hút học giả gốc Trung Quốc trở về và trả cho họ gấp năm lần mức lương họ đang nhận.